google-site-verification=Hz0gGGJtOhA6I7shjMyXptzxYUp4nXuaeucmA1MZUNo
Chi tiết Tin tức
  • Thủ công mỹ nghệ kêu khó
  • Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi, cho biết, 5 tháng đầu năm 2012, đơn hàng của doanh nghiệp giảm tới 60% so với cùng kỳ 2011. Nếu những năm trước, doanh thu chủ yếu của công ty là xuất khẩu thành phẩm làm từ xơ dừa, thì nay phải chuyển sang việc xuất các nguyên phụ liệu.
    “Vẫn biết xuất phụ liệu chỉ là lấy công làm lời chứ không có lợi nhuận, nhưng chúng tôi vẫn phải làm để duy trì hoạt động cho công ty. Xuất khẩu giảm nên thu nhập của người lao động cũng giảm theo”, ông Hùng nói.
     
    Cho đến nay, chỉ có hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất là vẫn duy trì được các đơn hàng, còn đại đa số lâm vào tình trạng sản xuất cầm chừng. Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho hay hiện có khoảng 360 doanh nghiệp nhưng hầu hết hiệu quả sản xuất kém, vòng quay đồng vốn chậm. Nguyên nhân chính là các sản phẩm của Việt Nam đang cạnh tranh không cân sức với mặt hàng cùng loại của nhiều nước.

    Trong bối cảnh lãi suất vay đứng ở mức cao nhưng họ vẫn không tiếp cận được các nguồn vốn nên buộc phải ngưng sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất hoặc giảm thị trường. Theo đó, khi kinh tế phục hồi, họ không thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực.

    Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ nhiệm hợp tác xã mành trúc Bình Minh cho rằng, đến nay Bình Minh vẫn nhận được đơn hàng dù giá không cao. Nhưng cái khó hiện nay là hợp tác xã không có vốn để làm. Theo ông Nguyên, trước đây giá một tấm mành trúc thô chỉ 35.000 đồng, nay tăng lên 95.000 đồng. Theo đó, để đảm bảo cuộc sống người lao động, hợp tác xã phải tăng lương. Trong khi không vay được vốn để đầu tư nên buộc đơn vị này chỉ sản xuất cầm chừng.

    Nhiều hợp tác xã cho biết, mặc dù TP HCM đã có chính sách cho vay kích cầu đầu tư, nhưng đến nay đại đa số các đơn vị không tiếp cận được. Ngoài nguyên nhân là không có tài sản thế chấp thì sản xuất của các doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng có sẵn nên rất thụ động, không thể xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

    Một lực cản rất lớn của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ hiện nay đó là thuế. Chủ nhiệm một hợp tác xã mây tre lá bức xúc cho biết, nhiều năm qua, ngành thuế đã khiến doanh nghiệp phải “dở khóc, dở cười” vì lúc thì cho lập bảng kê chi tiết nguyên liệu đầu vào, lúc lại đòi phải có hóa đơn đỏ.

    Trong khi đó, thủ công mỹ nghệ là ngành đặc thù, nguyên liệu đầu vào là những phế phẩm từ nông nghiệp, phải đi mua lại của nông dân thì không thể có hóa đơn đỏ. “Chúng tôi kêu mãi, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 134 cho phép lập bảng kê, nhưng cách lập như thế nào, cho bao nhiêu thì lại không cụ thể. Nếu không minh bạch các khoản đầu vào lại không được ngành thuế quyết toán. Lỗi này là do doanh nghiệp hay do các bộ ngành chức năng?”, ông nói.

    Theo đó, để đối phó với ngành thuế, nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ buộc phải đi mua hóa đơn lậu với mức chênh lệch từ 2% – 3%.

    Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua tuy không lớn so với những ngành khác, nhưng có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cứ một triệu USD xuất khẩu của ngành này thì lãi gấp khoảng 10 lần so với các ngành khác; giải quyết nhiều việc làm. Giá trị thực thu là rất cao với bình quân tới 95%. Hiện nhiều nhóm mặt hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre lá, mành trúc, gốm mỹ nghệ… 100% nguyên liệu được tận dụng từ trong nước và từ phế phẩm nông nghiệp.

    Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cần có sự can thiệp của nhà nước để hỗ trợ về vốn, mặt bằng và các cơ chế chính sách đặc thù. Theo đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa cũng phải được đặt lên hàng đầu để kéo các đối tác nước ngoài trực tiếp đến Việt Nam. Đây cũng là cách để sản phẩm thủ công mỹ nghệ cạnh tranh hơn về giá, tránh tình trạng người sản xuất hưởng ít, còn các khâu trung gian mặc sức ép và làm giá.
Hỗ trợ tư vấn trực tuyến
  •  
    Mr TRung   0903000735
Zalo